Sự vận động của tự nhiên tuân theo quy luật nào, vận động như thế nào, đó là điều người Trung Hoa tìm hiểu hàng ngàn năm và đúc kết thành một học thuyết độc đáo: Thuyết Âm Dương. Có thể nói đây là lý thuyết chủ đạo, nền tảng, lâu đời nhất, huyền bí nhất và cũng được ứng dụng nhiều nhất trong thế giới quan phương Đông.
Trong phần này tôi không hề có tham vọng trình bày sâu về học thuyết này, mà chỉ đề cập những cách tiếp cận sơ đẳng, trực diện nhất ứng dụng vào thế giới quan, loại bỏ bớt yếu tố triết lý và nhân sinh quan. Hiện nay ngoài thị trường sách có hàng chục quyển phân tích sâu về nó, mỗi quyển đều vài ba trăm cho đến gần nghìn trang, tha hồ cho những ai quan tâm có thể tìm hiểu.
Nguồn gốc
Nhiều người đã từng đọc qua triết học phương Đông ngạc nhiên vì trình độ khái quát hóa cao của nó, và đặt ra câu hỏi là do ai nghĩ ra. Tác giả không phải chỉ là một người, mà rất nhiều bộ óc, không phải một thời điểm, mà cả một giai đoạn dài, thậm chí hàng nghìn năm. Qua một quãng thời gian dài tổng hợp, phân tích, những tư tưởng phù hợp đã để lại cho chúng ta ngày nay một tư tưởng xuất sắc.
Người Trung Hoa gán nguồn gốc của thuyết Âm Dương Bát quái cho Phục Hi, vị vua Thái cổ huyền thoại. Kinh Dịch chép rằng Phục Hi thấy Long mã hiện lên ở sông Hoàng Hà, trên lưng có bức đồ hình, rồi thấy rùa thần hiện ở sông Lạc, trên lưng cũng có trang chữ. Phục Hi dựa vào đó vẽ lại thành Hà đồ Lạc thư, rồi ngửa đầu xem tượng trời, cúi xuống xem thế đất, mà vẽ nên Bát quái.
Bát quái có thể hình thành từ 2 nguồn. Đầu tiên là từ triết lý âm dương. Những mối tương quan trong triết lý này được cho là của Phục Hy, như sau:
Vô cực sanh hữu cực, hữu cực thị thái cực;
Thái Cực sanh lưỡng nghi, tức âm dương;
Lưỡng nghi sanh tứ tượng: tức thiếu âm, thái âm, thiếu dương, thái dương;
Tứ tượng diễn bát quái, bát bát lục thập tứ quái.
Hà đồ Lạc thư thực sự thế nào không ai biết, các thuyết cũng khác nhau, chẳng hạn cho Lạc thư là do vua Vũ trị thủy mới thấy. Hình vẽ các chấm đen trắng như ngày nay vẫn thường thấy là do Khổng An Quốc (cháu 12 đời của Khổng Tử) đưa ra vào khoảng năm 140-186. Thực ra đây là một ma phương Toán học, liên quan đến khoa Lý số. Nhìn vào đó mà nói để hình thành lên thuyết Âm Dương bát quái là điều không hợp lý. Có chăng là sự ngược lại: từ thuyết Âm Dương, kết hợp với tư duy số học để vẽ nên hai bức của Khổng An Quốc?
Tuy vậy, thuyết trên cũng làm nổi lên tư tưởng: Phục Hi phản ánh tự nhiên thông qua việc quan sát một cách cẩn trọng, khoa học, để từ đó rút ra những nhận xét và khái quát hóa thành quy luật. Riêng thời đại Phục Hi đã là một giai đoạn dài trong lịch sử.
Theo các quan sát có thể nhận thấy:
Theo thời gian trong ngày: sáng tối đổi nhau, nóng lạnh luân phiên;
Theo thời gian trong năm: nhiệt hàn thay đổi, xuân hạ thu đông nối tiếp không dừng;
Xét trong muôn loài: có đực có cái, có nam có nữ;
Vạn vật: tăng trưởng suy thoái, lớn lên nhỏ đi, trẻ khỏe già yếu;
Trải hàng trăm hàng ngàn năm, tư tưởng về hai mặt đối lập, tương hỗ, mâu thuẫn nhưng thống nhất, triệt tiêu mà thúc đẩy nhau, đã giúp người Trung hoa sáng tạo ra khái niệm Âm – Dương.
Âm – Dương
Dương và Âm là hai mặt của một tổng thể, đối lập nhưng không thể tách rời
Tượng trưng cho Dương là một vạch liền –
Tượng trưng cho âm là một vạch đứt —
Vạch Âm hay Dương gọi là một hào. (Khi tách biệt thì hay nói Dương trước Âm sau, nhưng khi gọi chung về Thuyết thì lại là Âm Dương, cũng chỉ là một thói quen).
Dương mang tính sáng, nóng, động, tích cực, giống đực, phát triển, mở rộng, sự sống, thực,…
Âm mang tính tối, lạnh, tĩnh, tiêu cực, giống cái, suy thoái, thu hẹp, cái chết, hư…
Khi yếu tố này thịnh thì yếu tố kia suy và ngược lại. Điều đặc biệt là trong Dương có Âm và trong Âm có Dương. Không tồn tại yếu tố hoàn toàn Dương hoặc hoàn toàn Âm, vì sẽ không thành một tổng thể hoàn chỉnh.
Nếu trong một tổng thể lớn, phần mang thuộc tính Dương khác với phần mang thuộc tính Âm. Nhưng khi tách thành từng bộ phận thì mỗi phần lại là một tổng hòa Âm Dương mới.
Giống như cục nam châm có 1 đầu Nam, 1 đầu Bắc. Nhưng khi chặt đôi thì mỗi phần lại có cực Nam cực Bắc riêng, chứ không có phần toàn cực Nam và phần toàn cực Bắc.
Chẳng hạn nếu xét loài người là một tổng thể, thì phần Dương là Nam giới, Âm là Nữ giới. Nhưng xét các cá thể Nam, thì không phải toàn Dương cả. Trong con người họ có yếu tố Âm là tinh thần, Dương là thể xác. Trong thể xác Dương thì Cơ bắp xương cốt là Dương, kinh mạch là Âm. Hoặc trong nội tạng thì lục phủ là dương, ngũ tạng là âm. Xét trong ý thức, thì Thiện là dương mà Ác là âm. Trong tri thức thì thu nhập thông tin (biết, nhớ) là dương, mà loại bỏ thông tin (quên) là âm.
Cứ như vậy, Âm Dương là giao hòa tương tác, không bao giờ không tồn tại, tuy đối lập nhưng không triệt tiêu nhau, khi yếu tố này mạnh thì yếu tố kia yếu, nhưng không bao giờ suy đến cạn kiệt hoàn toàn cả.
Xét về Vật lý, đơn giản có thể hình dung Dương Âm như là điện tích dương (proton), điện tích âm (electron), dương và âm là hạt và phản hạt, sóng và phản sóng, vật chất và phản vật chất. Dương và âm như là lực đẩy và lực hút, bùng nổ và đổ sụp, phát nóng sáng và nguội lạnh. Vật chất sẽ luôn có hai mặt đó tồn tại song hành, có lực đẩy sẽ có lực hút, trong đẩy có hút, có phát nóng thì cũng có nguội đi.
Trong quan niệm Trung Hoa, Âm Dương là hai Khí của Vũ trụ, là hai thực thể mà cũng là động lực của tự nhiên, là hai nguyên lý tạo ra vạn vật.
Tứ Tượng
Âm Dương gọi là Lưỡng Nghi, là 2 nguyên lý. Từ Lưỡng nghi sẽ sinh ra Tứ tượng là 4 thể trạng, theo nguyên tắc chồng hai vạch lên nhau. Xét vạch từ dưới lên, sẽ có tứ tượng lần lượt là
Hai vạch Dương, gọi là Thái Dương
Dương – Âm, gọi là Thiếu Dương
Âm – Dương, gọi là Thiếu Âm
Hai vạch Âm, gọi là Thái Âm
Trong thiên văn tương ứng:
Thái Dương : Mặt trời (Nhật): rất nóng, bầu trời sáng
Thái Âm : Mặt trăng (Nguyệt): lạnh, bầu trời tối đen
Thiếu Âm : Định tinh (Tinh): không chuyển động, lạnh
Thiếu Dương – Hành tinh (Thần): chuyển động trên bầu trời
Vì vậy còn gọi Nhật nguyệt tinh thần là Tứ tượng, và vị trí của chúng cũng gọi là Tượng trời.
Thái Dương là Dương cực thịnh, Thiếu Dương là Dương đã suy bớt, nhưng vẫn mạnh hơn Âm. Thiếu Âm là Âm đã mạnh hơn Dương, Thái Âm là Âm cực thịnh.
Bốn Tượng này cũng là bốn giai đoạn của một chu trình khép kín. Trong năm, mùa xuân là Thiếu dương, khí ấm áp tăng dần; Mùa hạ là Thái dương, nóng đến cực đại; Mùa thu là Thiếu âm, khí lạnh đang về, Mùa đông là Thái âm, lạnh cực đại.
Trong chu kỳ của một con người hay sinh vật: giai đoạn đầu tăng trưởng từ từ, là Thiếu dương, đến thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ (dậy thì ở con người) là Thái dương, đến cực đại khi trưởng thành toàn vẹn, rồi suy dần dần là Thiếu âm, cuối cùng là suy sụp nhanh chóng, là Thái âm.
Nhưng trong Âm có dương và ngược lại. Trong mùa hè, khi nóng nực nhất vẫn có khí lạnh, trong mùa đông, khi lạnh nhất vẫn có hơi ấm. Khi con người phát triển mạnh mẽ nhất, thì hàng ngày vẫn có hàng triệu tế bào bị suy thoái và chết đi, có điều sự tăng trưởng mạnh hơn rất nhiều sự suy thoái; tương tự, trong thời kỳ già ốm, vẫn có những tế bào được sinh ra, nhưng không thắng được sự triệt tiêu. Có chăng chỉ là làm giảm quá trình suy sụp.
Trong một con người, có đặc tính Dương và đặc tính âm. Nếu xét theo quan niệm hiện đại, thì mỗi con người đều được kết hợp từ nhiễm sắc thể của mẹ và của cha, đó là cái khởi nguồn Âm Dương, nhưng với sự nổi trội hơn của nhiễm sắc thể X hay Y, mà đứa trẻ sinh ra là trai hay gái. Tuy vậy trong cơ thể sẽ không bao giờ thiếu yếu tố của cả nam và nữ (hoocmon nam và nữ chẳng hạn).
Khi tiếp nhận Phật giáo, bốn giai đoạn này với con người có thể được hiểu là Sinh Lão Bệnh Tử, với sự vật là Sinh Trụ Dị Diệt, với Vũ trụ là Thành Trụ Hoại Không. Tuy vậy cũng không hoàn toàn đồng nhất, vì đây là hai tư tưởng triết học của hai nền văn minh khác nhau.
Như vậy Vận động là có tính khép kín, vòng tròn. Vì thế người phương Tây cho rằng triết học phương Đông có dạng vòng tròn.
Bát Quái
Từ Âm Dương là 2 sinh ra Tứ tượng là 4, sẽ tiếp tục nhân đôi thành 8, gọi là Bát quái.
Cách biến đối chính là chồng thêm 1 quẻ nữa lên thành 3 quẻ, mỗi quẻ có thể là Âm hoặc Dương.
Bát quái, tính theo vạch từ dưới lên, gồm
3 Dương, 3 vạch liền: Càn, nghĩa là Trời (Thiên): mạnh, cứng, nam
2 Dương + 1 Âm Đoài, nghĩa là Đầm (Trạch): vui vẻ
Dương + Âm + Dương Ly, nghĩa là Lửa (Hỏa): sáng, sáng tạo
Dương + 2 Âm Chấn, nghĩa là Sấm (Lôi): động
Âm + 2 Dương Tốn, nghĩa là Gió (Phong): thuận lợi
Âm + Dương + Âm Khảm, nghĩa là Nước (Thủy): sâu, hiểm
2 Âm + 1 Dương Cấn, nghĩa là Núi (Sơn): an tĩnh
3 Âm, 3 vạch đứt Khôn, nghĩa là Đất (Địa), nhu thuận, nữ
Mỗi bộ ba vạch gọi là một Quẻ (Quái). Tên các quẻ có thể do Văn vương đời Chu hoặc Chu Công đặt. Trong phần này, ta không xét sâu đến tên và ý nghĩa của các Quái, mà xem tư tưởng về sự biến đổi trong học thuyết. Một lần nữa, Âm Dương lại thay đổi vị trí, mô tả sự vận động của vạn vật. Từ rất rất Dương đến rất rất Âm, những thay đổi được biểu hiện bằng các vạch, là một cách thể hiện hoàn hảo.
Theo truyền thuyết, khi mới đặt thành Bát quái, Phục Hi vẽ các quẻ theo một vòng tròn khép kín, tính các vạch từ trong ra. Bốn hướng Đông Tây Nam Bắc ứng với bốn mùa (các hướng nhìn lên trời nên ngược với trên mặt đất, vòng quay của các mùa nguợc với chiều kim đồng hồ, là hướng quay của Vũ trụ). Các quẻ đối xứng về mặt hình học và ý nghĩa qua tâm vòng, nếu quẻ bên này vị trí này là dương thì bên kia phải là âm. Ba vạch liền đối với 3 vạch đứt, 2 đứt 1 liền đối với 2 liền 1 đứt. Như vậy các cặp đối nhau là:
Càn – Khôn (Trời – Đất), Tốn – Chấn (Gió – Sấm), Khảm – Ly (Nước – Lửa), Cấn – Đoài (Núi – Đầm).
Đến đời Chu (TK 12 TCN) thì Chu Văn vương vẽ theo một trật tự khác, trong đó quẻ Càn bắt đầu từ hướng Tây Bắc, và theo vòng ngược chiều kim đồng hồ lần lượt là Càn – Khảm – Cấn – Chấn – Tốn – Ly – Khôn – Đoài. Lý do tại sao đặt như vậy thì không ai biết.
Bát quái của Phục Hi được gọi là Tiên thiên Bát quái, Bát quái của Văn vương được gọi là Hậu thiên Bát quái, tên này thời Hán đặt ra.
Trên thực tế, cho đến trước đời Ân (cuối Thương đầu Chu), trên các di chỉ đều không thấy có hình Bát quái, nên có thể nó là sản phẩm của trí tuệ đời Chu, nhưng được gán cho Phục Hi là nhân vật thần thoại.
Đồ hình Bát quái cũng là công cụ để phân định phương vị. Trong các ứng dụng, người ta thường dùng đồ hình Hậu thiên, vì vậy nói phương Chấn là nói phương Đông, và mới có thuyết Trời mở ở tây bắc, Đất mở ở đông nam. Hoặc như phương Nam trở thành phương của quẻ Ly (lửa) (.), phương Bắc của quẻ Khảm (nước), phù hợp với phương vị của Ngũ hành.
Có những tác giả cố dùng Tiên thiên và Hậu thiên bát quái để giảng giải về thiên văn, bàn luận cho phù hợp với thiên văn phương Tây, nhưng không thực sự khoa học, nên không đưa ở đây.
Thienvanvietnam.com – Tác giá: Bùi Dương Hải