Ở Việt Nam cầu bê tông cốt thép được xây dựng từ thời Pháp thuộc với các dạng như cầu dầm hoặc dàn đơn giản, cầu dầm hoặc dàn mút thừa…được thi công theo phương pháp đúc tại chỗ. Các kết cấu này thường có 2 dầm chủ hoặc dàn chủ, bản mặt cầu dầm dọc, dầm ngang. Bề rộng đường ô tô khoảng 4-5m, và các cầu đường sắt đơn tuyến khổ đường 1m, các cầu này có chiều dài nhỏ hơn 20-30m. Một số dạng dầm liên tục với chiều dài nhịp 30-40m. Cho đến nay sau một thời gian dài sử dụng hoặc do sự tàn phá qua các thời kì chiến tranh nhiều cầu bị phá hủy hoặc hư hỏng, xuống cấp phải thay thế bằng những cầu mới (Cầu Ba Càng – Quốc lộ 1 tỉnh Vĩnh Long sơ đồ cầu: 14,5+30+14,5m), tuy nhiên hiện nay một số cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc hiện vẫn còn đang sử dụng như cầu Đầu Sấu QL1 tỉnh Cần Thơ, Cái Xếp, hoặc cầu mút thừa có dầm treo như Cầu Cái Bường – Quốc lộ 80 Đồng Tháp sơ đồ cầu 10+13,6+10 (m) (nhịp đeo dài 8,7m, công xon dài 2,4m) chiều rộng cầu 5,2m. Cầu vòm mút thừa Tân Lợi.
Hình 1.8. Cầu Ba Càng – Quốc lộ 1 tỉnh Vĩnh Long
Những năm sau kháng chiến chống Pháp chúng ta đã xây dựng lại một số cầu với kết cấu dầm giản đơn lắp ghép tiết diện chữ T, được liên kết ngang bằng mối nối hàn tại dầm ngang hoặc bản mặt cầu bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Kết cấu bê tông cốt thép sử dụng cho cầu nhịp nhỏ như cầu bản hay cầu dầm với nhịp dưới 22m. Khi kết cấu bê tông cốt thép ứng suất trước phát triển chúng ta đã ứng dụng thiết kế xây dựng cầu Phủ Lỗ nhịp 18m. Đến những năm đầu thập kỷ 70 đã thiết kế và xây dựng các cầu bê tông cốt thép ứng suất trước nhịp 24m, 33m (cầu Thăng Long, Hà Nội).
Tại miền Nam trước 1975, xây dựng rất nhiều cầu bê tông cốt thép ứng suất trước sử dụng chủ yếu là kết cấu nhịp 24,7m; 24,54m (bán lắp ghép); dầm bụng cá: 12,5m; 15,6m; 18,6m; 21,6m…Các kết cấu nhịp này chủ yếu được chế tạo tại nhà máy bê tông Châu Thới.
Sau này thống nhất đất nước chúng ta đã xây dựng nhiều cầu nhịp trung bình và nhịp lớn. Ví dụ cầu An Dương, cầu Rào… dạng cầu khung dầm nhịp 63m (cánh T dài 39m, dầm treo dài 24m). Sau sự cố cầu Rào, cầu Bo Thái Bình thi công bằng phương pháp đúc hẫng (cánh T dài 28m, dầm treo dài 33m).
Đặc biệt trong những năm gần đây đã áp dụng những công nghệ tiên tiến trong việc thi công cầu bê tông cốt thép ứng suất trước, ví dụ công nghệ đúc hẫng có:
- Cầu Phú Lương tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương nằm trên QL5 dài 490,7m (2×37,4+64,75+2×102+64,75+2×37,4).
- Cầu Sông Gianh – Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Bình dài 746,4m (37,4 +58 + 90,6 +3×120+90,6+58+37,4).
Hình 1.9. Cầu Sông Gianh – Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Bình
- Cầu Đuống (Cầu Phù Đổng) – Quốc lộ 1 (mới) tuyến Hà Nội – Lạng Sơn huyện Gia Lâm – Hà Nội dài 929m sơ đồ cầu: 65+7×100+65+3×33 (m); gồm 9 nhịp liên tục thi công bằng phương pháp đúc hẫng và 3 nhịp giản đơn thi công bằng phương pháp bán lắp ghép (PCI). Chiều rộng toàn cầu 15m, phần cầu liên tục tiết diện hình hộp (2 sườn) chiều cao thay đổi từ 6m (trên trụ) và 2,5m (giữa nhịp). Mặt cầu sử dụng BTCTƯST. Gối cầu sử dụng loại semi-fixed (bán cố định) trên các trụ P3, P4, P5, P6. Hoàn thành tháng 12/2000.
- Cầu Đáp Cầu (Như Nguyệt) Quốc lộ 1 (mới) tuyến Hà Nội Lạng Sơn – Thị xã Bắc Ninh – Tỉnh Bắc Ninh dài 428m, sơ đồ cầu: 4×33+65+100+65 +2×33 (m); mặt cắt ngang tương tự như cầu Đuống, hoàn thành tháng 12 năm 2000.
- Cầu Hoàng Long (Hàm Rồng) Quốc lộ 1, qua sông Mã – tỉnh Thanh Hóa nhịp chính là cầu khung dầm liên tục 3 nhịp sơ đồ: 75+130+75 (m) chiều cao dầm thay đổi từ 7,5m (trên trụ) và 2,75m (trên mố); chiều rộng toàn cầu 12,8m. Và một nhịp giản đơn dài 49,4m, tiết diện hình hộp có chiều cao không thay đổi (2,75m).
- Ngoài ra còn có một số cầu lớn khác: Cầu Quán Hầu (Quảng Bình), sơ đồ cầu phần đúc hẫng 64,84+2×102+64,84 (m); cầu Bắc Giang (Thị xã Bắc Giang – Tỉnh Bắc Giang), sơ đồ cầu: 45+55+90+45+55 (m).
Công nghệ đúc đẩy: Cầu Mẹt Tuyến (Hà Nội – Lạng Sơn), Cầu Hiền Lương vượt sông Bến Hải, nhịp dẫn cầu Quán Hầu (Quảng Bình).
Hiện nay chúng ta đã thi công xong một số cầu đặc biệt lớn như: Cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) là cầu dây văng dầm cứng bê tông cốt thép có nhịp chính 350m, Cầu Kiền (Hải Phòng) cầu dây văng nhịp chính 200m, Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) cầu dây văng một mặt phẳng dây kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính 435m. Cầu Thuận Phước (Đà Nẵng) cầu treo dây võng nhịp 125+405+125 (m). Cầu dây văng Cần Thơ qua sông Hậu có chiều dài nhịp chính dài 550m lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ngoài việc xây dựng các cầu vượt sông, một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay là việc thiết kế và thi công các công trình cầu trong thành phố. Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng ùn tắc giao thông ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Hình 1.10. Cầu Mỹ Thuận tỉnh Vĩnh Long dài 1535m, rộng 24m
Hình 1.11. Cầu Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh sơ đồ nhịp 215.5+ 435+215.5 (m)
Hình 1.12. Cầu Thuận Phước thành phố Đà Nẵng sơ đồ nhịp 125+ 405+125 (m)
Hình 1.13. Cầu Cần Thơ qua sông Hậu nhịp chính dài 550m