Trên bầu trời, bầu trời hầu hết là những vì sao luôn đứng yên tương đối với nhau – gọi là Định tinh hay Hằng tinh (sao – viết thường- star), và một số thiên thể chuyển động trong khoảng trời ấy – gọi là hành tinh (Sao – viết hoa – planet), rõ ràng nhất là mặt trăng và mặt trời. Trong Hệ mặt trời, cho đến nay các nhà thiên văn đã phát hiện có 9 hành tinh bao gồm cả trái đất. Tuy nhiên, bằng mắt thường chỉ có thể thấy 5 hành tinh mà thôi. Người Trung Hoa cũng đã nghiên cứu riêng những thiên thể chuyển động, và gọi chúng là Cửu Diệu.
Cửu Diệu bao gồm: Thái Dương tinh, Thái Âm tinh, Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh, Thổ tinh, La Hầu tinh, Kế Đô tinh; trong đó 7 thiên thể đầu tỏa sáng, được gọi là Thất Chính.
I. Thái Dương (Nhật Tinh – Sun)
Mặt trời, vầng Chân hỏa Thái dương ngày ngày soi sáng cũng gọi là Thái Dương Tinh. Theo quẻ của Dịch thì Thái Dương là một trong Tứ tượng, ứng vào hỏa nhiệt cực thịnh. Từ Nhật là mặt trời còn có nghĩa là Ngày. Quỹ đạo của Thái Dương trên bầu trời mà ta nhìn thấy gọi là Hoàng đạo. Lịch dựa trên mặt trời do đó gọi là Dương lịch.
Thái Dương còn được gọi là vầng Kim Ô – con quạ vàng. Theo truyện cổ, xưa ở giữa Đông Hải có cây Phù Tang (1), trên có bầy 10 con quạ vàng, mỗi ngày 1 con bay từ phương Đông sang phương Tây, soi sáng thế giới. Ngày kia Đông hải bão tố, cây Phù tang bị đổ, bầy quạ bay đậu khắp trời gây nên thảm cảnh. Hậu Nghệ là thần tiễn đã bắn rơi 9 con, chỉ để lại một, chính là vầng Thái Dương ngày nay.
Thái Dương tượng trưng cho sức mạnh, nam giới, luôn tràn đầy, cương mãnh, cho nóng, sáng, cực thịnh. Trên Thái Dương có cung Quang Minh, Tinh chủ là Thái Dương Tinh quân Thiên vương Đế quân, một trong những vị thần tối cao trên trời.
II. Thái Âm (Nguyệt Tinh – Moon)
Mặt trăng, tòa Quảng Hàn Thái Âm soi sáng ban đêm là Thái Âm Tinh, cũng là một trong tứ tượng. Trên Thái Âm có cung Quảng Hàn, Tinh chủ là Thái Âm Tinh quân Thiên vương, là một người đàn bà (tuy vậy vẫn có trường hợp là đàn ông). Lịch dựa trên mặt trăng do đó gọi là Âm lịch
Mặt trăng còn gọi là Ngọc Thố – con thỏ ngọc, do những bóng đen trên đó trông giống con thỏ. Xưa kia, Hậu Nghệ sau khi bắn rơi mặt trời, đã lên làm vua và lấy Hằng Nga. Sau ông tìm được thuốc trường sinh, nhưng Hằng Nga đã lén uống hết, nên biến thành Tiên bay lên cung Quảng Hàn. Thái Âm tượng trưng cho nhu thuận, nữ giới, lúc tròn lúc khuyết, biết tiến thoái.
Ngày trăng non gọi là Sóc, nghĩa là mới, khởi đầu; ngày trăng tròn gọi là Vọng, nghĩa là nhìn. Hai ngày này là thời điểm quan trọng trong lịch mặt trăng. Đường mô tả quỹ đạo Mặt trăng trên bầu trời đêm gọi là Bạch đạo.
III. Thủy Tinh (Mercury)
Sao Thuỷ gần Mặt trời nhất, có sắc xanh tối nhưng rất khó nhìn thấy đặc biệt trong điều kiện thành phố hiện nay. Sao Thuỷ được gọi là Thuỷ Diệu, trông coi bởi Thuỷ Đức tinh quân và cho rằng Thuỷ hội tụ bởi 5 khí. Trong truyện cổ tích, Thủy đức Tinh quân là Cung Công, người đã đập đầu vào núi Bất Chu làm sụt vòm trời, khíên Nữ Oa phải đội đá vá lại. Vì Thủy ứng với phương Bắc nên gọi đầy đủ là Bắc thần Ngũ khí Thủy Diệu.
IV. Kim Tinh (Venus)
Sao Kim là hành tinh sáng nhất bầu trời vào lúc sáng sớm và trước khi trời tối. Sao Kim mang sắc Trắng được gọi là Thái Bạch. Sắc trắng của Kim ứng với phương Tây, phương của quẻ Đoài trong Bát quái, nên gọi là Tây Đoài Thất khí Thái Bạch, còn gọi là Hàm Trì Kim tinh, trông coi bởi Thái Bạch Kim Tinh là ông già họ Lý. Sao Kim còn được gọi bằng hai tên khác là Khởi Minh tinh (Sao báo trời sáng) và Trường Canh tinh (Sao báo đêm dài tới – vì vậy Thái Bạch Kim Tinh còn được gọi là Lý Trường Canh). Thái Bạch kim tinh được coi là sứ giả của trời, vì luôn xuất hiện sớm nhất, trước tất cả các tinh tú cũng như trước cả Mặt trời.
V. Hỏa Tinh (Mars)
Sao Hoả mang màu đỏ, là hành tinh mà thiên văn hiện đại quan tâm nhiều nhất. Màu đỏ là của phương Nam, phương của quẻ Ly là lửa trong Bát quái, và được coi là hội tụ từ ba khí, nên có tên gọi là Nam Ly Tam khí Vân Hán. Lửa Tam muội thì không gì dập nổi. Sao Hỏa chuyển động với chu kỳ chỉ gần 2 năm, chênh lệch so với trái đất không nhiều, gây nên hiện tượng là khi nhìn từ trái đất, nó lúc thì đi sang đông, lúc lại sang tây chứ không theo một chiều nhất định. Vì sự đổi thay đổi huyễn hoặc không thống nhất và khó hiểu đó, nên còn được gọi là sao Huỳnh Hoặc.
Tinh chủ của Hỏa Tinh là Nam phương Tam khí Hỏa đức tinh quân chính thần, trong truyện cổ tích là Chúc Dung, người đã từng đánh bại Cung Công, lại cũng có thuyết gán La Tuyên.
Trong việc xem tượng trời đoán vận mệnh, Sao Hỏa thường gắn liền với tai ương, vận hạn, có lẽ do màu đỏ của nó trên màu trời đen. Trong lịch sử Trung Hoa, việc “Sao Hỏa lâm vào địa phận sao Tâm” để mô tả điềm tai họa, đặc biệt cho vua, bởi sao Tâm tú cũng có màu đỏ. Sự kiện thời Hán Thành đế (đã viết) tin vào điềm báo Sao Hỏa lâm vào Tâm tú đã lấy đi mạng sống của một số người.
VI. Mộc Tinh (Jupiter)
Sao Mộc, to nhất hệ Mặt trời, mang màu xanh, ứng với phương Đông, phương Chấn theo Hậu thiên Bát quái, nên được gọi là Đông Chấn Cửu khí Mộc Đức, vì được cho rằng Mộc do 9 khí hợp lại mà thành. Sao Mộc được dùng làm chuẩn cho việc tính lịch, thông qua chu kỳ quay xấp xỉ 12 năm , vì thế còn được gọi là Tuế Tinh hay Sao Thái Tuế.
Trong tiếng Hán, Nhật có nghĩa là ngày, Nguyệt có nghĩa tháng, còn Tinh có nghĩa là năm.
VII. Thổ Tinh (Saturn)
Sao Thổ có màu hơi vàng, được gọi là Trung Ương Nhất khí Thổ Tú. Trên thực tế, Sao Thổ cách trái đất khá xa, nên việc quan sát nó rất khó khăn. Cũng theo quan niệm ngũ hành, Thổ thuộc về trung ương, mang tính bền vững, nền tảng. Chu kỳ của Sao Thổ lại rất dài, vì thế nó được coi là chỉ được tạo nên từ 1 khí, không nhiều biến đổi. Thổ Tinh cũng còn gọi là Thiên Can tinh, với ngụ ý nắm giữ quy luật vận động của bầu trời.
VIII & IX. La Hầu Tinh & Kế Đô Tinh
Đây là hai thiên thể không có thực. Trước kia, khi thấy mặt trời, mặt trăng bị che lấp tối đen, người Trung Hoa cho rằng do một giống quái vật khổng lồ ăn mất, tạo ra Nhật thực và Nguyệt thực (quái vật gấu ăn mặt trời, quái vật chó sói ăn trăng – có lẽ do hiện tượng chó sói tru đêm trăng tròn, mà nguyệt thực chỉ xảy ra vào đêm trăng tròn).
Thế kỷ I, Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa, cùng với Phạn lịch, trong đó hai thiên thể che lấp mặt trời, mặt trăng được gọi là Rahu và Kethu. Người Trung Hoa phiên âm là La Hầu và Kế Đô. Hai “Sao” này tối đen, rất lớn và chỉ che lấp mặt trời mặt trăng chứ không che bất cứ thiên thể nào khác. Dù giả thuyết của Trương Hoành (78 – 139) về trái đất hình tròn và bóng của trái đất che lấp mặt trăng đã tíến đến chân lý, nhưng đã không được chấp nhận ngay khi đó.
Các tên tiếng Phạn tương ứng: Sao Thủy – Bhuda ; Sao Kim – Sukra ; Sao Hỏa – Angaraka ; Sao Mộc – Brhaspati ; Sao Thổ – Sanaiscara (hay Sani).
Các tầng trời
Người Trung Hoa nhận thấy rằng các hành tinh chuyển động giữa các thiên thể khác, nhưng không “va chạm” gì với nhau, nên cho rằng chúng ở trên các vòng cầu khác nhau, từ thấp đến cao tức là các tầng trời. Có 9 tầng trời – Cửu trùng thiên:
Tên tầng trời | Mô tả | Chu kỳ |
1. Thái Âm | Chứa Mặt trăng | 1 tháng (vì thấp) |
2. Thìn Tinh | Chứa Thủy Tinh | 3 tháng |
3. Thái Bạch | Chứa Kim Tinh | 7 tháng |
4. Thái Dương | Chứa Mặt trời | 1 năm |
5. Huỳnh Hoặc | Chứa Hỏa Tinh | 2 năm |
6. Tuế Tinh | Chứa Mộc Tinh | 12 năm |
7. Điền Tinh | Chứa Thổ Tinh | 30 năm |
8. Liệt Túc | Chứa các định tinh không chuyển động (các vì sao) | x |
9. Tông Động | Vỏ ngoài cùng của của Trời, bao bọc tất thẩy | x |
Về La Hầu, Kế Đô, một khi đã che được Mặt trăng và Mặt trời, thì phải nằm thấp hơn nữa. Thế nhưng chúng lại không che bất kỳ một thiên thể nào khác, vì vậy người Trung Hoa cho đó là thiên thể kì lạ, là khắc tinh của riêng Mặt trời, mặt trăng. Và vì vậy La Hầu và Kế Đô vẫn có một vị trí nhất định trong hệ thống thiên thể, đặc biệt trong việc xem bói Tử vi.
(1). Phù là nổi, Tang là cây dâu, Nhật Bản – ở phía đông, hay bị động đất nên cũng gọi là xứ Phù Tang
Theo thienvanvietnam.com