Tam Viên 60 chòm với hơn 220 sao, Nhị thập bát Tú hơn 160 sao, còn lại hàng ngàn vì sao khác được nhóm thành các chòm và một số sao độc lập. Các chòm này được gọi chung là các chòm Thiên Cương tinh và Địa Sát tinh. Để cho đẹp đẽ con số và phù hợp với cơ số 9 vốn được coi là cơ số hoàn thiện của trời đất, người ta thường nói là 36 Thiên cương và 72 Địa sát. Thực tế số lượng các chòm sao lớn hơn thế, và cũng không phải chỉ đặt tên với chữ Thiên hoặc Địa.
Chẳng hạn trong cung ứng với Giác có các chòm Bình tinh, Nam môn; trong cung Cang có các chòm sao Trụ, Thiên điền; trong cung Đê có Dương môn,…, rồi các sao Văn nhân, Lão nhân, các chòm Cửu đài, Nhị sư, Bắc khách sư môn,…, khắp trời.
Tuy nhiên các chòm sao dù có sáng đến đâu nhưng không nằm ở vị trí có ý nghĩa hình học hoặc dùng để phân định vị trí, các cung,…, thì cũng không được dùng nhiều. Chẳng hạn sao Thiên Lang sáng nhất bầu trời, Ngưu Lang và Chức Nữ cũng rất sáng, nhưng không nằm trong khu vực đặc biệt nào, nên cũng không được vẽ trong các bản đồ. Những sao đó có vị trí đặc biệt trong chiêm tinh hơn là trong ghi nhận thiên văn khoa học. Như sao Thiên Lang được ghi lại trong Lịch sử Trung Hoa có rất nhiều lần biến đổi màu sắc, khi thì xanh, khi thì vàng, khi lại đỏ, rồi có sừng, có tia,…, nhưng sự thực là nó không bao giờ đổi màu. Đó chẳng qua là sử sách gán cho nó vai trò điềm báo trước, nên trong những thời kỳ biến động của lịch sử, nó được viết cho phù hợp, cũng giống như việc khi có vua thánh ra đời thì rồng vàng xuất hiện vậy.
Theo: thienvanvietnam.com – Tác giả: Bùi Dương Hải